Tại Việt Nam Bánh_bao_chỉ

Bánh bao chỉ xuất hiện tại Việt Nam cũng tương đối lâu, chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, khi đó bánh bao chỉ khá thông dụng, nó hay được chở trên xe đạp để bán dạo từ sáng sớm. Cái bánh bao chỉ ngày xưa trong ký ức của nhiều người gắn liền với hình ảnh ông già người Hoa chạy xe đạp, phía sau là cái tủ kính đựng bánh bao với giọng rao lơ lớ: "Bánh bao chỉ đây". Nó có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố.

Trong thời gian gần đây tại thị trường Việt Nam khi bánh bao chỉ bình dân đang gặp khó khăn để tồn tại thì loại bánh này lại được những khách sạn 5 sao, nhà hàng chuyên bán ăn sáng với những món bữa ăn sáng (dimsum) kiểu Hồng Kông, bánh bao chỉ lại xuất hiện theo một cách khác, mới lạ hơn. Bánh bao chỉ trong các nhà hàng được xem như món tráng miệng sau những bữa ăn chính hoặc là món ngọt cuối bữa điểm tâm.

Chính vì vậy bánh bao chỉ đã xuất hiện trở lại. Sự trở lại của bánh bao chỉ lần này có hệ thống phân phối chuyên nghiệp, bài bản hơn. Cũng tủ kính bên trong chất đầy bánh, bên ngoài luôn tăng cường thêm bảng hiệu màu xanh phản quang. Hiện có hai loại bảng hiệu là "Ngon ơi là ngon" và "Ngon thật là ngon". Bánh bán tại các điểm dọc đường có hai loại nhân là dừa và đậu phộng, giá khoảng 3.000 đồng/cái[2]. Giá bánh rẻ nên ai cũng mua được, gọn gàng, bày hàng khắp nơi, thuận tiện cho người mua lẫn bán.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, bánh bao chỉ được sản xuất theo dạng hộ gia đình, tập trung nhiều ở quận 6, quận Gò Vấp (đây nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống), dù vậy cũng có những cơ sở kinh doanh sản xuất khá kinh doanh và bài bản.[3]. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vệ sinh an toàn thực phẩm vì loại bánh bao này sản xuất chủ yếu theo kiểu hộ gia đình và cá nhân nên không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh.[2] Hàng loạt điểm sản xuất bánh bao chỉ dạng thủ công ở quận Gò Vấp, quận 6 đang sản xuất trong điều kiện rất nhếch nhác, bầy hầy mà Ngành y tế chưa từng kiểm tra loại bánh này.[4] điều đó cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tình trang ngộ độc thực phẩm.